Điều trị F0 tại nhà và cách làm giảm các di chứng hậu Covid-19, phòng ngừa lây nhiễm cho người chăm sóc

Ngày đăng : 16/03/2022 11:24 AM

Những F0 nào được phép điều trị tại nhà?

Theo quy định của Bộ Y tế, F0 được quản lý, điều trị tại nhà cần đáp ứng điều kiện sau đây:

- F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ;

- F0 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy;

- F0 không mắc bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định;

- F0 có khả năng tự chăm sóc bản thân. Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân được thì phải cần có người chăm sóc;

Lưu ý: F0 chưa tiêm vắc xin thì độ tuổi từ 3 tháng đến 49 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì… có thể điều trị tại nhà.

                                                       

Những việc F0 cần làm khi điều trị tại nhà

Người đã tiêm đủ vắc-xin phòng Covid -19 khi nhiễm bệnh sẽ có các triệu  chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người chưa tiêm mũi vắc-xin nào. Các triệu chứng chủ yếu là rát họng, mệt mỏi, đau cơ, ho, hắt hơi, sổ mũi, có thể có sốt hoặc không sốt, khó thở nhất về đêm và gần sáng.  Các triệu chứng dù nhẹ vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh.

Để làm giảm mức độ nặng của bệnh các F0 cần thực hiện các hoạt động tự chăm sóc sau để giữ gìn sức khoẻ cho cá nhân và những người xung quanh:

Tự cách ly:

Ở phòng riêng, dùng riêng dụng cụ ăn uống sinh hoạt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên trước khi chạm vào các đồ vật trong nhà. Đặc biệt quần áo bẩn, chăn, chiếu, gối chất thải của người bị mắc covid phải để riêng, xử lý riêng.

Chăm sóc tại nhà:

F0 cần chuẩn bị thuốc và các dụng cụ y tế, gồm: Thuốc hạ sốt, thuốc điều trị bệnh nền (nếu có), vitamin, gói bù nước và điện giải ozerol, nhiệt kế, khẩu trang (ít nhất 2 cái/ngày, đủ dùng trong 2-3 tuần), găng tay, máy đo SpO2, máy đo huyết áp (nên có), dung dịch nước muối sinh lý để súc họng, rửa mũi, số điện thoại của nhân viên y tế gần nhất.

Người mắc Covid - 19 sẽ khỏi bệnh nhanh nếu giữ được tâm lý thoải mái, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Các triệu chứng của bệnh như ho, sổ mũi, hắt hơi, khó thở sẽ giảm nếu người bệnh thực hiện các phương pháp sau:

 - Uống nhiều nước ấm, thường xuyên rửa mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý giúp đường thở thông thoáng, có thể tiến hành xông hơi nhưng chỉ xông vùng mũi họng (hít hơi nóng từ nước dược liệu chỉ có tác dụng làm thông đường thở tức thì không có tác dụng trong điều trị Covid - 19 nên không được lạm dụng chỉ xông tối đa 1 lần/ngày để tránh gây mất nước cho cơ thể và tổn thương niêm mạc mũi, họng).

 - Tập thở thường xuyên, vận động nhẹ nhàng tuỳ theo thể lực và mức độ khó thở. Việc này rất quan trọng để phòng các di chứng hậu Covid - 19. Vì khi tập thở tốt giúp phổi được co giãn tối đa, máu đến phổi được lưu thông tốt hơn giúp phổi mau chóng phục hồi khi bị tổn thương bởi các tác động của virus. Vận động nhẹ nhàng giúp giảm stress và giảm đau mỏi cơ do máu lưu thông tới các cơ quan liên tục từ đó tăng lượng oxy đến cơ quan tổ chức giúp chúng nhanh chóng đào thải các chất độc bị ứ đọng.

- Khi khó thở về đêm người bệnh nên nằm ở tư thế kê cao đầu và lưng, việc tích cực thở bằng mũi hoặc miệng có thể dẫn đến khô miệng và mũi lúc này cần chuẩn bị sẵn nước ấm để súc miệng hoặc nước muối sinh lý để rửa mũi để thở có hiệu quả hơn. Đo nồng độ oxy trong máu bằng máy đo ≥ 97% là bình thường.

                                                     

- Sốt là một triệu chứng hay gặp, đặc biệt là trẻ em khi mắc Covid - 19. Sốt cao trên 38,5 độ C mới được uống thuốc hạ sốt để tránh việc lạm dụng thuốc hạ sốt đẫn đến tổn thương chức năng gan, thận. Có thể uống thuốc hạ sốt nhiều lần khi sốt cao không giảm nhưng khoảng cách tối thiểu giữa các lần uống thuốc phải trong khoảng 4-6 tiếng.

Ngoài việc uống thuốc hạ sốt cần để cho người bệnh mặc quần áo mỏng, nằm nơi kín gió đắp chăn mỏng. Tiến hành chườm ấm cho người bệnh bằng cách dùng khăn thấm nước ở nhiệt độ cao hơn 3-5 độ C so với thân nhiệt của người bệnh, lau tại những nơi có khả năng tản nhiệt tốt như trán, hai bên thái dương, cổ, bàn tay, nếp gấp khuỷu, hố nách, nếp gấp đùi, khuỷu chân, bàn chân để tản nhiệt, chườm liên tục. Không nên chườm lạnh hoặc dùng nước mát để lau người vì sẽ làm cho bệnh nhân bị cảm, không thải được nhiệt sốt sẽ tăng. Theo dõi thân nhiệt 30 phút/lần.

- Chế độ dinh dưỡng: F0 nên ăn uống bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm để duy trì thể trạng, thể chất bình thường. Bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặt biệt khi giảm ăn do mệt, ho, sốt… Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc, đậu đỗ, các loại hạt để ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng. Uống đủ nước từ 2 lit/ngày hoặc nhiều hơn nếu sốt, tiêu chảy, đồng thời hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt.

Cách theo dõi diễn biến bệnh và xử trí cấp cứu khi người F0 có chuyển biến nặng

Cần gọi ngay cho nhân viên y tế gần nhất hoặc đưa người bệnh đi cấp cứu khi có các dấu hiệu sau đây:

- Khi khó thở, thở dốc (nhịp thở ≥ 20 lần/phút đối với trẻ trên 12 tuổi và người lớn; ≥ 40 lần/ phút đối với trẻ từ 01 đến dưới 05 tuổi; ≥ 30 lần /phút đối với trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi).

- Độ bão hoà oxy trong máu ngoại vi (đo bằng máy SpO2 <97%).

- Đối với trẻ em thấy trẻ thở khó khăn nhịp thở nhanh, có rút lõm lồng ngực.

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu. Cần cho thở oxy ngay (nếu có) để người bệnh nằm cao đầu, xoa vùng trước ngực.

- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/ mệt lả, trẻ quấy khóc, ngủ ly bì, khó đánh thức, co giật. Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân. Tạm thời không để cho bệnh nhân ăn uống gì thêm để tránh thức ăn lạc vào đường thở. Theo dõi liên tục.

- Mạch nhanh >120 lần trên phút hoặc dưới 50 lần / phút.

- Huyết áp tối đa <90mmHg, huyết áp tối thiểu nhỏ hơn 60mmHg (đo bằng máy đo huyết áp).

- Sốt cao trên 39 độ C mà không có dấu hiệu thuyên giảm.

                                                   

Cách làm giảm nguy cơ lây nhiễm khi chăm sóc cho F0

- Tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay nhanh thường xuyên khi tiếp xúc với người bệnh và đồ dùng của người bệnh.

- Tất cả các dụng cụ cá nhân của người bệnh cần được vệ sinh và xử lý riêng.

- Nếu trong nhà có người mắc các bệnh nền, phụ nữ có thai, trẻ em cần đưa họ đến khu an toàn.

- Người chăm sóc cần thường xuyên súc họng, rửa mũi, khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ như đo nhiệt độ, test covid khi có các triệu chứng bất thường như ho, sốt mệt mỏi, khó thở…

- Tăng cường sức khoẻ và hệ thống miễn dịch bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, bổ xung vitamin và rau củ, quả tươi hằng ngày. Tập thể dục nâng cao thể trạng.